thông tin sản phẩm

ĐẬU ĐEN
Tên khoa học: Vigna cylindrica L.Skeels, họ Đậu (Fabaceae)
Tên gọi khác: Hắc đậu, Đậu cút, Đậu dải đen, Đỗ đen
Bộ phận dùng: Hạt đã phơi hoặc sấy khô của cây Đậu đen
Tính vị: Vị ngọt, tính bình
Thành phần hóa học: Vỏ Đậu đen có chất màu anthoxyanin, trong hạt Đậu đen có protid, chất béo, glucid, tro và các muối khoáng như canxi, phosphor, caroten, vitamin B1, B2, PP, C. Hàm lượng các acid amin cần thiết trong Đậu đen rất cao gồm lysin, alanin, valin, metionin,…
Công dụng: Trừ phong, thanh thấp nhiệt, lương huyết, giải độc, lợi tiểu tiện, tư âm bổ thận, tiêu phù thũng do nhiệt độc. Chủ trị: Thận hư yếu, nước tiểu ít, đục; sáng mắt, đầy trướng bụng, sưng đâu do phù, các chứng phù ung nhọt
Cách dùng, liều dùng:
+ Liều dùng: 20 – 40 gram/ngày, có thể dùng nhiều hơn
+ Cách dùng: Đậu đen dùng dưới dạng thuốc có các dạng như Đạm đậu xị, Hàm đậu xị
Sơ chế:
(1) Hàm đậu xị: Đậu đen rửa sạch ngâm nước muối 2 ngày đêm (1 kg Đậu đen ngâm trong 250 g muối ăn và một lít nước), đồ chín, lấy nước muối đã pha tẩm phơi cho đến hết. Rải trên mặt phẳng đã lót lá chuối (đã rửa sạch), đậy lên trên 3 – 4 lớp nữa, chèn kín xung quanh. Ủ như vậy 3 ngày đêm, thỉnh thoảng kiểm tra xem thấy lên men vàng thì trộn đều lại rồi ủ tiếp. Làm như vậy đủ 9 ngày đêm liên tục. Sau đó đem sấy ở nhiệt độ 30 – 40ºC đến khô. Cho vào lọ sạch đậy kín bảo quản
(2) Đạm đậu xị: Đậu đen rửa sạch ngâm nước thường 1 đêm, phơi ráo nước rồi đồ chín. Rải đều trên chiếu sạch, đợi ráo, lấy lá chuối khô sạch ủ kín 3 ngày, kiểm tra thấy lên men vàng thì trộn đều lại rồi ủ. Làm như vậy cho đủ 5 – 7 lần. Đem ra chưng rồi phơi khô, cho vào bình sạch đậy kín để bảo quản
Có nhiều cách để chế Đạm đậu xị nhưng chung quy sẽ làm cho Đậu chín rồi để lên men mốc vàng rồi phơi khô để làm thuốc